Công Nghệ Làm Lạnh Bay Hơi Nước Dùng CHA Dạng Lỏng

Đề tài "Nghiên Cứu Ứng Dụng Công Nghệ Làm Lạnh Bay Hơi Nước Dùng Chất Hút Ẩm Dạng Lỏng Trong Một Số Hệ Thống Điều Hòa Không Khí" do TS. Nguyễn Thế Bảo làm Chủ nhiệm Đề tài, Trung tâm Nghiên Cứu Dịch vụ Công nghệ và Môi trường là Cơ quan chủ trì và đã được nghiệm thu.

 

Đề tài đã đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ làm lạnh bay hơi và tách ẩm bằng chất hút ẩm cho điều hòa không khí (ĐHKK) trong điều kiện Việt Nam nhằm thay thế cho các hệ thống ĐHKK sử dụng máy lạnh có máy nén hơi với nhằm giải quyết hai vấn đề cơ bản: (i) sử dụng năng lượng nhiệt có sẵn nhẵm giảm tối thiểu việc sử dụng năng lượng cao cấp điện góp phần tiết kiệm năng lượng và (ii) giảm sự ô nhiễm môi trường toàn cầu mà nguyên nhân là do chất lạnh loại CFCs của máy lạnh máy nén hơi gây ra. Đề tài cũng phân tích tình hình sử dụng ĐHKK trong điều kiện khí hậu nước ta trong những năm gần đây dể thấy rõ sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu.

Đề tài đã trình bày công nghệ và các phương pháp tính toán liên quan cho làm lạnh bay hơi (LLBH) và tách ẩm bằng chất hút ẩm. Đưa ra các số liệu thí nghiệm thực tế, phân tích đánh giá số liệu để làm cơ sở cho việc lựa chọn phương án ĐHKK ứng dụng công nghệ này trong điều kiện khí hậu Việt Nam.

Xây dựng phần mềm chương trình tính toán một cách tự động cho hệ thống làm lạnh có sử dụng chất hút ẩm và chương trình cung cấp đầy đủ các hàm tính các thông số nhiệt động của dung dịch LiCl, không khí, nước và tạo sẵn các module nhằm diễn tả trạng thái thiết bị chính như tháp hút ẩm, tháp tách ẩm, bộ hồi nhiệt và thể hiện các quá trình không khí trên ẩm đồ giúp cho việc phân tích sâu vào các sơ đồ ứng dụng này. Chương trình được xây dựng trên các cơ sở lý thuyết đã được kiểm chứng thực tế và được thử ở nhiều dạng dữ liệu khác nhau. Đề tài cũng đã tính toán hiệu quả kinh tế đối với sơ đồ đề nghị so với phương án sử dụng máy lạnh có máy nén hơi.

Đề tài đã đưa ra những cơ sơ lý thuyết tổng quát cho việc tính toán các quá trình LLBH và tách ẩm bằng chất hút ẩm (CHA), tái tạo dung dịch tách ẩm.  Phần lý thuyết này chưa được tìm thấy ở bất kỳ tài liệu hay nghiên cứu của Việt Nam trước đây, vì vậy có thể nói nó mang một ý nghĩa khoa học rất cao, có thể sử dụng làm tiền đề cho các nghiên cứu khoa học sau này.

Đề tài đã phân tích và đưa ra các số liệu thực nghiệm về hệ thống làm lạnh bay hơi sử dụng chất hút ẩm lỏng LiCl và chương trình mô phỏng toàn bộ các thông số trạng thái của các quá trình làm lạnh có kết hợp chất hút ẩm. Những thí nghiệm và chương trình này hy vọng sẽ làm cơ sở cho các nhà thiết kế trong việc lựa chọn phương án thiết kế ĐHKK làm lạnh bay hơi và tách ẩm bằng CHA lỏng trong điều kiện Việt Nam.

 

Đề tài đã đề xuất sơ đồ LLBH kết hợp với tách ẩm bằng CHA cho ĐHKK trong điều kiện Việt Nam.  Đã xây dựng được chương trình tính toán thiết kế cho ĐHKK sử dụng LLBH và tách ẩm bằng dung dịch H2O-LiCl để tính toán một cách nhanh chóng nhằm giảm bớt thời gian cho người sử dụng.