Kiểm Toán Và Các Biện Pháp TKNL

Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đang là vấn đề thời sự có tính toàn cầu. Ở Việt Nam, các khảo sát thực tế cho thấy, tính hiệu quả của việc khai thác và sử dụng năng lượng hiện đang còn ở mức khá thấp. Ví dụ, suất tiêu hao năng lượng (kgOE/USD) trong lãnh vực công nghiệp của Việt Nam cao hơn từ 2,4 đến 3,6 lần so với các nước trong khu vực. Tương tự, trong phạm vi các tòa nhà, chỉ số tiêu thụ điện tính trên 1 m2 sàn cao hơn từ 30% - 50% so với các công trình cùng loại ở các nước Châu Á có áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

 1. GIỚI THIỆU

Việc khai thác năng lượng không hiệu quả không chỉ gây ra các tổn thất về mặt kinh tế, mà còn góp phần hủy hoại môi trường. Thật vậy, theo các số liệu thống kê, ở các nước Châu Âu, để sản xuất ra 1 kWh điện người ta đã thải vào môi trường 0,6 kg CO2, thành phần chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính làm gia tăng nhiệt độ của bầu khí quyển. Ở Việt Nam hàm lượng CO2 thải ra tính trên 1 kWh điện sản xuất được chắc chắn sẽ cao hơn.

Trước vấn đề bức xúc đó, đề tài “Nghiên Cứu Triển Khai Kiểm Toán & Thực Hiện Các Biện Pháp Tiết Kiệm Năng Lượng Tại Các Doanh Nghiệp Trên Địa Bàn Thành Phố Hồ Chí Minh” được Sở Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường Tp. Hồ Chí Minh giao cho TS. Nguyễn Thế Bảo làm Chủ Nhiệm Đề Tài từ tháng 11/2002, kéo dài trong 2 năm. Mục tiêu chính của đề tài bao gồm:

·         Triển khai kiểm toán tại 10 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

·         Nghiên cứu triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại 10 doanh nghiệp đã làm kiểm toán nói trên

·         Tến hành biên soạn 3 bộ giáo trình để sử dụng cho các lớp đào tạo và tập huấn về tiết kiệm năng lượng.

·         Tổ chức 5 khóa đào tạo về tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp.

Đến nay đề tài đã hoàn tất với các kết quả được báo cáo tóm tắt dưới đây.

2. TRIỂN KHAI KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG TẠI 10 DOANH NGHIỆP

Chúng tôi đã tiến hành làm kiểm toán năng lượng cho 10 doanh nghiệp sau:

·         Công ty Giấy Mai Lan

·         Công ty Giấy An Bình

·         Công ty Nhựa Đô Thành

·         Công ty Nhựa Bông Sen (Lotus)

·         Công ty Nhựa Chí Thanh

·         Khách Sạn PALACE

·         Nhà máy Đay Indira Gandhi

·         Công ty Dệt Sài Gòn

·         Công ty May – Thêu – Giày Dép WEC Sài Gòn

·         Công ty Thực Phẩm VISSAN

Dựa trên kết quả kiểm toán năng lượng, các biện pháp tiết kiệm năng lượng có thể được chia ra làm 3 nhóm như sau:

·         Các biện pháp yêu cầu đầu tư ngắn hạn (không đòi hỏi chi phí đầu tư hoặc chi phí rất thấp với thời gian hoàn vốn < 1 tháng): các biện pháp này bao gồm việc thay đổi cách quản lý và điều hành sản xuất; thực hiện biện pháp cân đong đo đếm mức tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, thành phẩm, phế phẩm,…; giảm bớt đèn chiếu sáng dư hay không cần thiết; bảo ôn các đường ống hơi nóng và lạnh. Nếu thực hiện các biện pháp này không thôi, các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tiết kiệm đến 15% mức tiêu thụ năng lượng hiện nay.

·         Các biện pháp yêu cầu đầu tư trung hạn (đòi hỏi chi phí đầu tư với thời gian hoàn vốn từ 1 tháng đến 1 năm): các biện pháp này bao gồm việc sắp xếp tổ chức lại dây chuyền cho hợp lý; lắp đặt hệ thống thuh hồi nước ngưng để cấp nước cho lò hơi; thay bằng đèn huỳnh quang ϕ32 bằng bóng đèn ϕ26 hay bóng đèn Compact; tự động hóa điều khiển các hệ thống lạnh nhằm giảm tiêu hao năng lượng; sử dụng biến tần cho các động cơ có nhu cầu thay đổi tải liên tục,… Nếu thực hiện các biện pháp này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm từ 15% đến 30% mức tiêu thụ năng lượng hiện nay.

·         Các biện pháp yêu cầu đầu tư dài hạn (đòi hỏi chi phí đầu tư với thời gian hoàn vốn trên 1 năm): các biện pháp này bao gồm việc thay động cơ quá cũ và dư công suất bằng động cơ hiệu suất cao có công suất phù hợp hơn; sử dụng năng lượng mặt trời nhằm cung cấp nhu cầu nước nóng cho doanh nghiệp; sử dụng các bồn tích trữ lạnh để giảm tải điện tiêu thụ giờ cao điểm cho các hệ thống lạnh; thay đổi thiết bị và máy móc đã quá cụ và lạc hậu. Nếu thực hiện các biện pháp này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm từ 30% đến 45% mức tiêu thụ năng lượng hiện nay.

Bảng 1 đến Bảng 10 trong tập tài liệu này tóm tắt các cơ hội tiết kiệm năng lượng tại 10 doanh nghiệp mà đề tài này đề cập tới. các cơ hội tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp nói trên nằm trong 2 khâu chính: khâu quản lý và khâu kỹ thuật.

a.      Khâu quản lý

Trong khâu quản lý, hầu hết các doanh nghiệp nói trên đều không quan tâm lắm đến vấn đề quản lý năng lượng trước khi nhóm kiểm toán đến. Các doanh nghiệp đều không có người đặc trách theo dõi việc tiêu thụ và tiêu hao năng lượng hàng tháng, chưa đề ra được định mức sử dụng năng lượng và suất tiêu hao năng lượng để từ đó có những quy định, quy phạm cụ thể để công nhân làm theo.

Một vấn đề phổ biến khác tại các doanh nghiệp là không có hệ thống cân đo đong đếm nguyên liệu cũng như nhiên liệu tại các khâu hay công đoạn sản xuất. Điều này dẫn đến việc không thể bắt công nhân tiết kiệm năng lượng vì không thể dựa trên một chuẩn nào cả. Nghiêm trọng hơn, điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các công đoạn mà không thể phát hiện từ nhiều năm tại một số doanh nghiệp.

Tại các doanh nghiệp, tất cả các hóa đơn năng lượng đều do Phòng Kế toán – Tài vụ quản lý. Điều này dẫn đến thực trạng là Bộ phận Kỹ thuật không có số liệu nào để theo dõi việc tiêu thụ năng lượng hàng tháng nhằm phát hiện kịp thời những đột biến trong hóa đơn năng lượng để có biện pháp khắc phục sớm.

Tại một số doanh nghiệp, Ban Giám đốc chưa thật sự coi trọng vấn đề quản lý và tiết kiệm năng lượng. Đây là yếu tố mang tính quyết định đến sự thành bại của chượng trình tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp.

b.      Khâu kỹ thuật

Trong khâu quản lý, các cơ hội tiết kiệm năng lượng (TKNL) được phát hiện và đề xuất trong tất cả các hệ thống cung cấp năng lượng chính cho doanh nghiệp, bao gồm hệ thống nhiệt – lạnh, hệ thống điện, hệ thống nước.

Điều đáng lưu ý trong hệ thống nhiệt – lạnh của các doanh nghiệp là vấn đề bảo ôn (bọc cách nhiệt). Hệ thống bảo ôn của các doanh nghiệp phần lớn là không có (như trong trường hợp Công ty Dệt Sài Gòn, các đầu lò của máy ép trong các nhà máy nhựa) hoặc lớp bảo ôn đã quá cũ và hư (như trong trường hợp Công ty VISSAN và Khách sạn PALACE). Đây là các cơ hội TKNL nên được thực hiện ngay do chi phí cải tạo thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Hơn thế nữa, đó là vấn đề an toàn lao động và vệ sinh môi trường của doanh nghiệp. Vấn đề phổ biến khác trong hệ thống nhiệt là không thu hồi nước ngưng sau khi hơi nước được sử dụng. Điều này dẫn đến sự lãng phí rất lớn không những về mặt năng lượng (vì nước ngưng có nhiệt độ khoảng 75-900C khi thu hồi) mà còn lãng phí nguồn nước cấp rất quý lò hơi (vì nước ngưng là nước tinh khiết không cần qua xử lý khi đưa vào lò hơi). Việc lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các bẫy hơi (cốc ngưng) không đúng quy cách cũng là vấn đề khá phổ biến trong hệ thống nhiệt của các doanh nghiệp.

Trong hệ thống điện, tình trạng sử dụng động cơ non tải là rất phổ biến. điều này không chỉ làm các động cơ hoạt động với hiệu suất thấp mà còn đưa đền tình trạng hệ số công suất cosφ của doanh nghiệp rất thấp nếu không có hệ thống tụ bù. Thêm vào đó, chế độ bảo dưỡng các động cơ cũng rất kém. Hệ thống chiếu sáng cũng là vấn đề lãng phí khá phổ biến. Việc sử dụng đèn huỳnh quang chủ yếu cho chiếu sáng với việc thiết kế, lắp đặt không đúng quy cách dẫn đến lãng phí rất lớn. Hơn nữa, chiếu sáng tự nhiên không được lưu tâm từ khâu thiết kế ban đầu đến việc sử dụng hiện tại dẫn đến việc phải sừ dụng hệ thống đèn hầu như mọi lúc, mọi nơi.

Vấn đề sử dụng nước cũng rất lãng phí tại các doanh nghiệp. Cho dù doanh nghiệp sử dụng nước thủy cục hay nước giếng tự cung cấp, các doanh nghiệp hầu như đều không xếp nước vào dạng năng lượng để có kế hoạch tiết kiệm hay tái sử dụng. Đây cũng là vấn đề cần được doanh nghiệp quan tâm hơn.

3. TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TẠI 10 DOANH NGHIỆP

Sau khi công tác kiểm toán năng lượng được triển khai, một số biện pháp TKNL đã được thực hiện tại cả 10 doanh nghiệp nói trên, dưới 3 hình thức:

·         Các doanh nghiệp tự thực hiện các biện pháp thuộc:

-          Khâu quản lý như: cân đong sản phẩm và phế phẩm (trường hợp Công ty Mai Lan) hay cài đặt lại nhiệt độ hệ thống nước nóng cũng như nhiệt độ phòng (trường hợp khách sạn Palace).

-          Các biện pháp đơn giản, dễ thực hiện như: bọc bảo ôn lại các đường ống, cải tạo lại hệ thống chiếu sáng (trường hợp Công ty WEC Sài Gòn, Công ty VISSAN). Đây là các biện pháp TKNL đơn giản, không cần chi phí đầu tư hay đầu tư rất thấp.

·         Các doanh nghiệp giao cho nhóm kiểm toán trực tiếp thực hiện các biện pháp TKNL. Thường các biện pháp này đòi hỏi việc thiết kế và tính toán kỹ thuật mà bản thân doanh nghiệp không đủ sức thực hiện. đây là trường hợp đa số doanh nghiệp đã tiến hành, bao gồm:

-          Công ty Giấy An Bình với hệ thống biến tần cho các máy xeo

-          Công ty Nhựa Chí Thanh với hệ thống bảo ôn và lắp biến tần cho máy ép nhựa

-          Công ty Dệt Sài Gòn với hệ thống bẫy hơi để thu hồi nước ngưng và bọc bảo ôn lại đường ống hơi

-          Khách sạn Palce với hệ thống tự động hóa hệ thống lạnh trung tâm nhằm giảm tiêu thụ điện năng.

·         Các doanh nghiệp giao cho nhóm kiểm toán thực hiện thử trên một máy cụ thể, sau đó doanh nghiệp sẽ tự lắp đặt và nhân rộng cho các máy còn lại, bao gồm:

-          Công ty Nhựa Đô Thành với hệ thống biến tần cho máy ép nhựa

-          Công ty Nhựa Bông Sen với hệ thống bảo ôn và lắp biến tần cho máy ép nhựa. Sau 1 máy mẫu, công ty đã tự đầu tư lắp cho 8 máy còn lại.

-          Nhà máy đay Indira Gandhi với hệ thống biến tần cho máy kéo sợi. Sau khi thử nghiệm thành công trên 1 máy, nhà máy đã đăng ký đề tài NCKH để tiếp tục mở rộng và triển khai các biện pháp khác.

Các kết quả cụ thể của từng doanh nghiệp được trình bày trong phần Phụ lục.

4. BIÊN SOẠN GIÁO TRÌNH, TỔ CHỨC CÁC KHÓA ĐÀO TẠO VỀ TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Theo yêu cầu của đề tài, 3 bộ giáo trình đã được biên soạn để phục vụ cho công tác đào tạo. các giáo trình này là:

·         Sổ tay Công tác Quản lý và Kiểm toán Năng lượng trong các Doanh nghiệp

·         Bảo toàn và Quản lý năng lượng trong các Hệ thống Nhiệt lạnh trong các doanh nghiệp

·         Bảo toàn và Quản lý năng lượng trong các Hệ thống Điện các doanh nghiệp

Các giáo trình này được biên soạn và tổng hợp từ nhiều nguồn tài lệu trong và ngoài nước, và dựa vào các kinh nghiệm thực tiễn của chính các tác giả. Vì vậy giáo trình mang tính thực tiễn cao và đáp ứng được nhu cầu của người đọc, là cán bộ công nhân viên đang công tác tại các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.

Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức 1 khóa đào tạo ngay tại Công ty và phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Tp.HCM tổ chức 4 khóa đào tạo về quản lý và tiết kiệm năng lượng cho hơn 100 học viên thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Nếu so với các khóa đào tạo do nước ngoài tổ chức trước đây, các khóa học của Trung tâm TKNL Tp.HCM mang những nét đặc thù sau đây:

·         Các khóa học trước đây, bắt đầu từ những năm 1993-1994, phần lớn do các tổ chức nước ngoài tài trợ và tổ chức. Vì vậy chúng thường mang tính phong trào: khi khóa học kết thúc thì mọi chuyện cũng kết thúc. Khác với các khóa học đó, các khóa học do Trung tâm tổ chức là thường xuyên và phải đạt kết quả cụ thể: sau khi được trang bị về mặt lý thuyết, các học viên phải tham gia thực hành các công tác kiểm toán năng lượng; một bảng báo cáo kiểm toán năng lượng ngay tại doanh nghiệp của các học viên là tiền đề để cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho chính học viên đó.

·         Các khóa học trước đây thường do các chuyên gia nước ngoài phụ trách. Điều này tạo nên một khó khăn rất lớn, đó là rào cản về ngôn ngữ, chắc chắn sẽ làm giảm khả năng tiếp thu cũng như sự cảm nhận của học viên về vấn đề tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Trong khi đó, các khóa học do Trung tâm tổ chức do các chuyên gia Việt Nam phụ trách, tài liệu cũng được biên soạn bằng tiếng Việt nên khả năng tiếp thu của học viên sẽ tăng lên.

·         Trong các khóa học trước đây, các ví dụ được các giảng viên sử dụng thường là các kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng từ các nước trong khu vực hay trên thế giới. Điều này sẽ làm giảm sức thuyết phục đối với học viên về khả năng ứng dụng chúng vào điều kiện Việt Nam. Còn các ví dụ và kinh nghiệm sử dụng trong các khóa học do trung tâm tổ chức là từ các kinh nghiệm thực tế do chính các giảng viên thực hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy học viên sẽ tự tin hơn về khả năng áp dụng chúng ngay chính tại doanh nghiệp của họ.

5. CÁC BÀI BÁO, BÁO CÁO KHOA HỌC VÀ HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ VỀ TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG KHUÔN KHỔ ĐỀ TÀI

Có lẽ đây là những hoạt động khoa học thành công ngoài dự kiến ban đầu của đề tài. Từ những kết quả đạt được của đề tài, và đáp ứng nhu cầu phổ biến và nhân rộng kết quả, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường đã cấp thêm kinh phí cho đề tài để tổ chức 4 Hội nghị Chuyên đề cho 4 ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm:

·         Hội thảo “Các Cơ Hội Tiết Kiệm Và Sử Dụng Hiệu Quả Năng Lượng Trong Ngành Giấy” vào tháng 04/2001

·         Hội thảo “Các Cơ Hội Tiết Kiệm Và Sử Dụng Hiệu Quả Năng Lượng Trong Ngành Nhựa” vào tháng 10/2001

·         Hội thảo “Các Cơ Hội Tiết Kiệm Và Sử Dụng Hiệu Quả Năng Lượng Trong CÁc Hệ Thống Lạnh” vào tháng 04/2002

·         Hội thảo “Các Cơ Hội Tiết Kiệm Và Sử Dụng Hiệu Quả Năng Lượng Trong Khách Sạn, Tòa Cao Ốc” vào tháng 09/2002

Tổng cộng đã có 22 bài báo khoa học từ kết quả của đề tài này được viết nhằm phục vụ cho 4 Hội thảo Khoa học nói trên. Thêm vào đó, 3 bài báo khoa học khác đã được báo cáo tại Hội nghị Khoa học về “Các Giải Pháp Tiết Kiệm Năng Lượng Nhằm Giảm Thiểu Ô Nhiễm Môi Trường” do Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Tp.HCM tổ chức vào tháng 06/2001 nhân Tuần lễ Môi trường (xin xem các báo cáo này trong các tập kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo nói trên). Và vinh dự nhất, bài báo “Một Số Hoạt Động Tiết Kiệm Năng Lượng Tại Thành Phố Hồ Chí Minh” là 1 trong 8 bài duy nhất được chọn để báo cáo trước Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường Các Tỉnh Miền Đông Nam Bộ Lần VII tổ chức tại Hội trường Thống Nhất ngày 27 tháng 12 năm 2001.

Một phóng sự truyền hình dài 21 phút về một số kết quả của đề tài này cũng đã được Đài Truyền Hình Thành Phố thực hiện và phát rất nhiều lần trên kênh HTV 7 và HTV 9. Và nhiều bài báo trong các báo lưu hành tại thành phố cũng đã viết về đề tài này.

6. KẾT LUẬN

Có thể nói, đề tài đã thành công vượt xa những dự kiến ban đầu của chính Chủ nhiệm Đề tài. Ngoài những kết quả cụ thể nêu trên, một số kết quả khác mà đề tài đạt được bao gồm:

·         Xây dựng được một hệ thống về kiểm toán năng lượng và đào tạo một cách khoa học và bài bản. Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho chương trình TKNL của Thành phố sau này.

·         Là chất xúc tác quan trọng để thành lập Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh, vừa được UBND TP ký quyết định thành lập ngày 10 tháng 05 năm 2002.

·         Đào tạo lực lượng kiểm toán viên năng lượng chuyên nghiệp cho Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng nói riêng và cho Thành phố nói chung.

·         Mặc dù đề tài chưa nghiệm thu, một Dự án “Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Tiết Kiệm Năng Lượng” đã được triển khai dựa trên những kết quả bước đầu của đề tài. Dự án này đang được Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng triển khai.